Đánh giá post

TỤC

Vẫn thường nghe: nhất chữ nhì tranh tam sành tứ mộc (hay kiểng?). Thư pháp là câu chuyện của giấy bút, bó hẹp trong chừng ấy thể chữ, từng ấy con chữ sao được đề cao thế? Sao mà khó thế?

      Lại nghe nào là có “thục” có “sinh”, có “tình” có “lý”, có “nhã” có “tục”, cứ chiểu theo đấy mà xem xét, mà bình phẩm con chữ người ta. Thục sinh tình lý tựa hồ còn có thể hiểu được, còn như nhã tục cố nhiên hình nhi thượng học, lấy gì nói cho rõ ràng được? Thế nên, bảo Hi Chi đại nhã, người cao thấp nhìn chữ Hi Chi đều thấy yêu; bảo Bát Đại hay Dương Châu Bát Quái chữ thuộc hàng trung nhã lại là thế nào? 

Vậy nên, chưa biết có nhã hay không, phải không tục, phải bớt tục trước đã. Chứ bị phán là chữ tục thì…ô hô ai tai!


21246252 1829370763769673 5141866092853438581 o 768x611 1


1. Học thư trước phải để tâm kết cấu. Kết cấu có tốt thì chữ mới đẹp được. Ví như việc xây nhà, xi măng cát đá, gạch ngói gỗ thép đều đạt chuẩn iso mà xây bừa xây bậy thì nhà chẳng đẹp được. Kết cấu chữ mặc nhiên tuân thủ theo một số quy luật cơ bản, song việc biến hình là đương nhiên, không thể không suy xét đến. Bởi đó cũng là một quy luật trong quy luật vậy. Tuy thế, giả như truy cầu biến hình, đến mức thái quá, có khi hoàn toàn phản tác dụng, tự đẩy mình vào chỗ “tục”. Có thể kể ra một số kiểu biến hình đến mức biến thái như:
– Kết cấu chữ quá mức khoa trương, tỷ lệ lạc điệu nghiêm trọng, thậm chí không nhận đọc nổi.
– Đường nét trong chữ tương phản, đối lập quá mạnh khiến con chữ lạc nhịp lạc điệu, khiến người xem cảm thấy không thoải mái.
– Mỗi đường nét đều đạt chuẩn iso, nhưng phong cách không thống nhất, mỗi nét một font, chẳng khác nồi lẩu, đem kết hợp lại với nhau thành ra chẳng hài hòa, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thế khác nào trên comple dưới sịp hoa chân đi guốc mộc. Hỏi có “tục” không?
Truy xét nguồn cơn thì dễ thấy là do tác giả khắc ý cưỡng cầu, muốn mau mau chóng chóng thể hiện cái tôi thông qua cái gọi là kết cấu (con đường này dễ chăng?). 

Chương pháp cũng như vậy. Quan hệ giữa chữ với chữ, hàng với hàng, hoặc to nhỏ thụt thò, nghiêng lệch thẳng thớm, hoặc trông nhau hô ứng, cho đến sự thay đổi đậm nhạt của mực…cần mạch lạc thông suốt, đắc ở chỗ tự nhiên nhi nhiên. Chỉ cần “cố ý” cưỡng cầu ở một mặt nào đó thôi, cái “tục” tự lòi đuôi ra thôi. Cổ nhân nói “thái quá do bất cập” chả sai tẹo nào.

2. “Tục” thể hiện qua những hành vi thái quá. Hotgirl trang điểm, nhẹ nhàng phù hợp thì càng hot, bả ma tít lên mặt thì hóa ra tục. Đền ông dịu dàng thanh lịch là nhã, nhẹ nhàng dịu dàng đến mức chảy nước thì tục. Riêng nói đường nét, chú trọng phong vận thì chẳng tục; chứ mong cái “dáng” “vàng son mật mỡ”, cầu cái sắc tướng bề ngoài thì so ra đã tục mất rồi.

Thư pháp là nghệ thuật tổ hợp đường nét, tức là nói, đường nét là yếu tố đầu tiên quyết định hay dở của chữ. Nên đường nét giàu sức sống, giàu biến hóa, mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ là nguyên liệu đầu tiên nền móng góp phần tạo nên cái đẹp của tác phẩm. Đường nét quan hệ với công cụ và kỹ thuật. Cụ Tử Ngang có câu: “dụng bút thiên cổ bất dịch” (phép dùng bút thiên cổ không thay đổi), thế nên phép dụng bút thế nào cũng phải nên dụng công. Mặt giấy là không gian 2D, khoảng không phía trên mặt giấy nơi cây bút chuyển động là không gian 3D, vị trí tương đối của bút trong không gian 3D xưa nay chỉ có hai: hoặc “chính phong” (không phải trung phong nhỉ, hehe) hoặc “trắc phong”. Chính phong là “cốt”, trắc phong ấy thịt thà.

Trong thực tế viết chữ, trung trắc phải kết hợp sử dụng, không thể bỏ cái này lấy cái kia. Đồng thời phải tỏ tường quy luật để khi chính khi trắc sao cho tự nhiên, hợp lý. Nếu chỉ chăm chăm khoa trương một loại vận động này mà bỏ loại vận động kia thì tự nhiên sinh “tục”. Tỷ như chỉ trắc không chính, chữ toàn thịt không xương, ấy là mặc trư (nói Tô Đông Pha chăng?); chỉ chính không trắc thì khô kháo đơn điệu. Lại như dụng trắc phong mà hoặc quá truy cầu tính động khiến đường nét cong queo xoắn xít, hoặc cố tình nhích động rung lắc tay để mong đạt cái gọi là “sáp”, ấy cũng thiên về “tục” rồi. Dụng chính phong mà biên độ đề, án quá mức hòng truy cầu sự tương phản đối lập chỉ khiến cho đường nét thô tế đối lập một cách vô lý, lạc điệu lạc nhịp, ấy cũng thiên về “tục” vậy.

3. “Tục” là thứ có thể cảm động đại đa số. Thế là thế nào? Đại đa số ở đây mang ý vị chua cay, khiển trách. Nó không chỉ nói về số lượng mà còn trỏ đến phẩm chất vậy. Có lý thôi, “tục” là đại đa số, đại đa số là “tục”, “tục” là cấp thấp. Song “tục” cũng có sức mạnh của riêng nó, nó có thể tạo nên “trào lưu”, gây nên “cơn sốt” một thời. Sùng bái một cách mù quáng một trào lưu, một thư phong nào đó, hoặc vì mục đích chạy theo, lấy lòng thẩm mỹ “không lấy gì làm cao” (thấp kém?) của đại đa số mà không vụ cầu vào chỗ tự nhiên của mình thì tục, chắc chắn là tục.

Thư pháp là nghệ thuật của đường nét trừu tượng lấy chữ Hán làm đối tượng biểu hiện. Nó yêu cầu người theo đòi phải có tố chất văn hóa, ngộ tính và trình độ thẩm mỹ nhất định, nhất là khi tác phẩm thư pháp đã đạt đến một mức cao nào đó thì sự phân hóa người thưởng thức sẽ rõ rệt hơn. Tức là nói, tác phẩm thư pháp ở cảnh giới cao thì không phải ai cũng có thể hiểu được, có thể nắm bắt được thông tin trong đó. “Đây mà là chữ à?” “Viết thế này cũng gọi là viết à?, chả bằng đứa trẻ con!” “Danh gia cái quái gì ông này!”…Những phát ngôn như thế khi xem chữ danh gia cho thấy sự khác biệt trời vực trong trình độ và năng lực thẩm mỹ của người xem.

Có vị Tây triết bảo: phàm cái gì tự nhiên đều không phải là tục. Vô duyên một cách hồn nhiên không phải là tục, thô nhưng thật không phải là tục… Chỉ có ngu còn tỏ ra nguy hiểm, hồn nhiên ăn tiền thiên hạ…mới là tục (đầy tính thời đại, hehe). Xét rộng ra thì khoác lên mình một vỏ bọc trái ngược với tự nhiên bản chất mới là tục. Tục, tức khoác vỏ bọc, xuất phát từ tâm lý tự ti biết chẳng bằng người song phải tỏ ra hơn người, nhất cử nhất động đều phải lên gân, đem cái thừa thãi hoa sức bên ngoài để che đi bản lai diện mục.

Tóm lại, người theo đòi thư pháp thực sự cần phải thanh tẩy mình mà bỏ đi tâm lý dung tục, ăn xổi ở thì. Nhân cách, học vấn, lịch duyệt, công phu đào luyện, tích lũy hàng ngày rồi mới có cơ hội bước được vào cửa của lâu đài thư pháp.

— Tháo Quan cư chủ nhân Noản Ông tạp lục.
Ps: Thư pháp Bạch Tiêu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d