5/5 - (2 bình chọn)

I. Thờ bài vị là nét đẹp trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

Trước năm 1945, hầu hết các gia đình và nhà thờ họ đều thờ bài vị (còn gọi là thần vị, thần chủ, mộc chủ). Đó là “Thẻ giấy hoặc ván mỏng ghi tên tuổi, chức vụ người chết để thờ(1). Tất cả các bài vị đều được viết theo một chuẩn mực được truyền từ đời này qua đời khác. Chuẩn mực đó được chép trong sách “Thọ Mai gia lễ”, tác giả là Thọ Mai cư sỹ Hồ Gia Tân (tức Hồ Sỹ Tân)(2). Bài vị được viết khi một người mới qua đời, để thờ tại nhà cho đến 5 đời thì chôn đi (Ngũ đại mai thần chủ). Người được mời viết bài vị thường là quan chức hoặc người hay chữ. Linh hồn tổ đời thứ 6 được rước thờ chung tại nhà thờ họ. Trên bàn thờ gia tiên, nếu có bài vị được chế tác, viết đúng phép tắc và sắp xếp bài bản thì việc cúng giỗ sẽ tăng thêm vẻ trang nghiêm. Con cháu sẽ biết được hôm nay giỗ ai. Người đó từng có địa vị, công trạng gì trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm: Bài vị là gì?

Hiện nay, trong một số gia đình, còn giữ được mộc chủ của tổ tiên, được chế tác cẩn thận, sơn màu son và viết bài vị chữ Hán Nôm, bằng nhũ vàng. Một số gia đình đã viết bài vị mới bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên nội dung bài vị mới viết đã không còn theo chuẩn mực truyền thống. Bài vị hiện nay chủ yếu do thầy cúng viết, thường dài dòng và không viết chức vụ. Tìm hiểu nguyên nhân sự thất truyền cách viết bài vị, chúng tôi phát hiện loại sách tương tự “Thọ Mai gia lễ” dùng cho nhân dân miền Nam trước ngày thống nhất, nay tái bản nhiều lần, bán tràn lan trên thị trường. Các sách loại này đã làm cho người đọc tưởng lầm là sách “Thọ Mai gia lễ” của Hồ Sỹ Tân, người Quỳnh Lưu và làm theo không cần do dự.

II. Viết minh tinh và thần chủ theo sách “Thọ Mai gia lễ”

1. Nội dung minh tinh 

Minh tinh còn được gọi là triệu, là cái cờ bằng lụa đỏ hoặc giấy vàng, viết chữ bằng mực hoặc phấn màu để ghi họ tên, chức vụ người quá cố khi  đưa tang. Cách ghi như sau.

Phiên âm:

           – Phụ viết mỗ quan, tính công, thụy mỗ thụy Phủ quân chi cữu.

           – Mẫu xưng phụ, xưng mỗ, xưng thất, mỗ thị, mỗ Nhụ nhân chi cữu.

Dịch nghĩa:

          – Cha: Đây là quan tài của cố phụ: chức vụ, họ…, tên thụy.. Phủ quân.

          – Mẹ: Đây là quan tài của cố mẫu, Chức vụ phẩm trật của chồng, họ chồng…chính (thứ),  họ và tên… Nhụ nhân.

Vận dụng sách Thọ Mai gia lễ, ngày nay có thể viết minh tinh (triệu) như sau:

– Viết cho cha: Cố phụ học hàm, học vị, họ và tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Phủ quân. Ví dụ: Cố phụ Thạc sỹ Nguyễn Văn A, Trưởng phòng Tài chính huyện, Huy hiệu 50 năm tuổi ĐảngPhủ quân.

 – Viết cho mẹ: Cố mẫu, họ chồng chính (thứ) thất, học hàm, học vị, họ tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Nhụ nhân. Ví dụ: Cố mẫu Nguyễn chính thất, Cử nhân Nguyễn Thị B, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Nhụ nhân. (Cụm từ “chi cửu” nghĩa là cái quan tài, không cần viết. Xưa phụ nữ không được học hành và làm quan, khi nào cũng ghi theo chức vụ chồng (mỗ phong), nay ghi chức vụ bản thân các bà, nếu có).

2. Nội dung thần chủ

Thần chủ làm bằng gỗ, ngày xưa có 2 phần, hàm trung ở phía trong, phấn diện ở mặt ngoài.

Phiên âm hướng dẫn viết thần chủ:

a) Hàm trung

– Phụ tắc viết: Cố mỗ quan, mỗ công húy, mỗ tự, mỗ hạng kỷ, thần chủ.

– Mẫu tắc viết: Cố mỗ phong, mỗ thị húy, mỗ hiệu, mỗ hạng kỷ, thần chủ.

b) Phấn diện

– Phụ tắc viết: Hiển khảo, mỗ quan, mỗ công tự, mỗ Phủ quân, thần chủ.

– Mẫu tắc viết: Hiển tỉ mỗ phong, mỗ thị hiệu, mỗ Nhụ nhân, thần chủ.

c) Hàm trung lưỡng ngoại biênTả thì viết: Sinh ư mỗ niên, nguyệt, nhật, thời. Hưởng thọ kỷ niên. Hữu viết: Tốt ư mỗ niên, nguyệt, nhật, thời.

d) Phấn diện hạ tả bàng viết: Hiếu tử mỗ phụng tự.

Dịch nghĩa:

a) Mặt trong

– Cha: Thần chủ của Cố phụ, làm quan gì, tên húy, tên chữ, thứ mấy.

– Mẹ: Thần chủ của Cố mẫu, chức của chồng, tên húy, tên hiệu, thứ mấy.

b) Mặt ngoài

– Cha: Thần chủ của Hiển khảo, làm quan gì, họ và tên chữ, Phủ quân.

– Mẹ: Thần chủ của Hiển tỉ, chức quan của chồng, họ chồng… chính (thứ) thất, họ, thứ mấy, hiệu Nhụ nhân.

c) Hai bên mặt trong: Bên trái: Giờ, ngày, tháng, năm sinh. Hưởng thọ bao nhiêu tuổi. Bên phải: Giờ, ngày, tháng, năm mất.

d) Phía dưới bên trái mặt ngoài: Người thờ cúng.

Hàm trung và Phấn diện khác nhau ở 3 chỗ, xem bảng dưới đây

 Từ đầu dòngHúyPhủ quân, Nhụ nhân
Hàm trungCố phụ, (mẫu)           Không
Phấn diệnHiển khảo (tỷ)Không              Có

Vận dụng sách Thọ Mai gia lễ: ngày nay có thể viết bài vị (thần chủ) như sau: Thần chủ chỉ cần làm một mặt. Nội dung chính viết chữ to, một hoặc 2 hàng, chính giữa. Hai bên có hai hàng chữ nhỏ.

a) Khi mới mất, chưa mai táng, viết chữ đen trên giấy trắng, nội dung tương tự minh tinh ở trên.

– Cha: Cố phụ, học hàm, học vị, họ và tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Phủ quân.

– Mẹ: Cố mẫu, họ chồng, chính (thứ) thất, họ và tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Nhụ nhân..

b) Sau mai táng viết chữ đen (hoặc vàng) trên nền gỗ mộc (hoặc sơn đỏ). Nội dung như sau:

– Cha: Hiển khảo, học hàm, học vị, họ và tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Phủ quân. (bỏ bớt chữ “Thần chủ” ở đầu dòng).

– Mẹ: Hiển tỉ, họ chồng, chính (thứ) thất, họ và tên, chức vụ, khen thưởng cấp cao, Nhụ nhân.

c) Hai bên mộc chủ:

Bên trái viết: Ngày, tháng, năm sinh. Hưởng thọ bao nhiêu tuổi.

Bên phải viết: Ngày, tháng, năm mất. Người thờ cúng.

Ví dụ viết thần chủ bằng Quốc ngữ

Thần chủ của cha,

Dòng ở giữa (chữ to): – Hiển khảo Thạc sỹ Nguyễn Văn A, nguyên Trưởng phòng Tài chính huyện, Huy hiệu 50 năm tuổi ĐảngPhủ quân.

          Dòng bên trái (chữ nhỏ): Sinh ngày…, tháng…, năm Tân Mùi. Hưởng thọ 85 tuổi

          Dòng bên phải (chữ nhỏ): Mất ngày…, tháng…, năm Ất Mùi. Con trai cả Nguyễn Văn C. thờ cúng.

Thần chủ của mẹ,

Dòng ở giữa (chữ to): – Hiển tỉ Nguyễn chính thất, Cử nhân Nguyễn Thị B, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Nhụ nhân.

Dòng bên trái (chữ nhỏ): Sinh ngày…, tháng…, năm Ất Hợi. Hưởng thọ 82 tuổi

Dòng bên phải (chữ nhỏ): Mất ngày…, tháng…, năm Bính Thân. Con trai cả Nguyễn Văn C. thờ cúng.

 III. Sách tương tự “Thọ Mai gia lễ” do người miền Nam viết      

Tôi mua hai cuốn sách tương tự “Thọ Mai gia lễ” để dùng trong gia đình, và đinh ninh đây là cuốn sách chuẩn mực. Cho đến khi nghiên cứu di sản Hán Nôm, mới phát hiện ra mình bị nhầm. Rất nhiều người đã bị nhầm. Xin dẫn chứng hai cuốn sách sau đây.

          Cuốn 1: (ảnh 3) “Tục cưới hỏi ma chay của người Việt Nam Thọ Mai gia lễ” của Túy Lang Nguyễn Văn Toàn, NXB Lao Động. QĐ xuất bản số 498/QĐLK-LĐ cấp ngày 28/5/2009.

          Cuốn sách này bỏ hẳn mục: Cách thức viết thần chủ (đề chủ thức). Trang 167, hướng dẫn viết triệu (minh tinh) như sau:

          Mẫu triệu của ông Trần Văn X… (Sách in một hàng dọc):

Việt Nam Quốc Hoàng Triều Gia Long Nguyên niên Tuế Thứ Canh Tuất Định Tường Tỉnh Điều Hòa Xã Tánh Trần Văn X… Đệ Nhất Hàng Hạ Thọ Thất Thập Tam Tuế Lợi Viết Trung Tín Phủ Quân Chi Cữu”

          Mẫu triệu của bà Lê Thị Y… (Sách in một hàng dọc):

Việt Nam Quốc Hoàng Triều Gia Long Nguyên niên Tuế Thứ Canh Tuất Định Tường Tỉnh Điều Hòa Xã Xã Trường Trần Phủ Nguyên Phối Tánh Lê Húy Thị Y… Hưởng Thọ Lục Thập Ngũ Tuế Đệ Ngũ  Hàng Biểu Trình Thuật Toàn Nhân  Chi Cữu”

Cuốn 2: (ảnh 3, bên phải) “Thọ Mai gia lễ dẫn – giải” của Gia Khánh, NXB Thanh Hóa. QĐ XB số 235- 201/CXB/78-356/ThaH, ngày 11/3/2010.

Tương tự cuốn trên, sách này cũng không có phần hướng dẫn viết thần chủ. Trang 158, 159  có mẫu viết triệu (minh tinh) như sau:

Mẫu triệu của ông Trần Văn X… (Sách in một hàng dọc):

Việt Nam Cộng Hòa Tuế Thứ Canh Tuất Định Tường Tỉnh Điếu Điếu Hòa(3) Tánh Trần Văn X… Đệ Thất Hàng Hạ Thọ Thất Thập Tam Tuế Lợi Viết Trung Tín Phủ Quân Chi Cữu”

          Mẫu triệu của bà Lê Thị Y… (Sách in một hàng dọc):

Việt Nam Cộng Hòa Tuế Thứ Mậu Thân Định Tường Tỉnh Điều Hòa Xã Xã Trưởng Trần Phủ Nguyên Phối Tánh Lê Húy Thị Y… Hưởng Thọ Lục Thập Ngũ Tuế Đệ Ngũ  Hàng Biểu Trình Thuật Toàn Nhân  Chi Cữu”

Điểm chung của hai cuốn sách là cụm từ “THỌ MAI GIA LỄ ” in màu đỏ, chữ lớn nổi bật ngoài bìa sách. Nhưng bên trong, phần viết minh tinh đã làm sai lệch tinh thần Thọ Mai, không phù hợp với chính trị, văn hóa nước ta hiện nay.

1/ Những khác biệt về nội dung viết minh tinh (triệu)

 Quốc hiệuQuê quánChức tướcHọThụy, hiệu
Sách “ Thọ Mai gia lễ” của Hồ Sỹ Tânkhôngkhông姓 (tính)謚 (thụy)號 (hiệu)
Sách tương tự “Thọ Mai gia lễ”Gia Long; Việt Nam Cộng Hòa.Định Tường tỉnh, Điều Hòa xãkhôngtánhLợi,biểu

2/ Khác biệt ngữ pháp tiếng Việt

Sách “Thọ Mai gia lễ” của Hồ Sỹ Tân, viết chữ Hán Nôm, ngữ pháp nhiều chỗ vẫn còn ảnh hưởng ngữ pháp chữ Hán. Nay sách in bằng chữ Quốc ngữ thì phải dùng ngữ pháp tiếng Việt, trừ những cụm từ phiên âm chữ Hán. Cụm từ “Chi Cữu” và rất nhiều từ trong bốn mẫu triệu trích dẫn sách tương tự “Thọ Mai gia lễ” người Việt không thể hiểu nổi.

3/ Sách tương tự “Thọ Mai gia lễ”  đi vào cuộc sống (!)

Hiện nay hầu hết thầy cúng viết minh tinh và bài vị theo sách tương tự “Thọ Mai gia lễ” như trên, mặc dù nhiều thầy cũng không hiểu “Chi Cữu” là gì. Người viết bài này đã từng dự đám tang một Cán bộ giảng dạy Đại học Vinh có trình độ Thạc sỹ, thấy thầy cúng viết bài vị như sau:

Cố phụ tiền Quang Trung phường, Đảng viên Cộng sản, Hội viên người cao tuổi, Nguyễn trọng công, tự Văn T. hưởng thọ lục thập tam tuế, thụy Chất Trực Phủ quân chi linh.

(Đúng ra, theo tinh thần “Thọ Mai gia lễ” phải viết như sau:

Hàng chữ lớn: Cố phụ Thạc sỹ Nguyễn Văn T. Cán bộ giảng dạy trường Đại học Vinh, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Phủ quân.

Hai hàng chữ nhỏ hai bên:

Bên trái, ngày, tháng, năm sinh. Hưởng thọ.

Bên phải: ngày, tháng, năm mất. Người thờ cúng.)

Có thể dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nhà thông thái Túy lang Nguyễn Văn Toàn đã vận dụng sách “Thọ Mai gia lễ”, viết sách về việc tang để phục vụ nhân dân miền Nam. Nhưng hiện nay không nên dùng sách đó để phổ biến cho cả nước, nhân danh “Thọ Mai gia lễ”. Chế độ chính trị đã khác, phong tục Bắc Nam cũng khác.

IV. Kiến nghị

Việc thờ cúng bài vị (thần vị) là phong tục cổ truyền rất nên phục hồi một cách hợp lý. Các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà xuất bản cần xem xét cẩn thận để loại bỏ những cuốn sách không phù hợp như trên. Cần tổ chức biên tập sách viết về việc tang lễ và thờ cúng tổ tiên theo tinh thần kế thừa tinh hoa cổ truyền và phù hợp với nếp sống văn hóa thời đại công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Chú thích:

(1). Từ điển từ Hán Việt, Phan Văn Các, NXB T.P. Hồ Chí Minh – 2001, tr 27.

(2). Bản chữ Hán Nôm tàng bản năm Tự Đức thứ 19, tức năm 1866, hiện lưu trữ tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, tại Thư viện còn có bản dịch ra Quốc ngữ của Thái Sơn Nguyễn văn Chiểu, in trước Cách mạng tháng Tám.

(3). “Điếu Điếu Hòa” có lẽ in sai cụm từ “Điều Hòa xã”! Nhiều lỗi chính tả trong các trích dẫn trên, chúng tôi vẫn giữ nguyên.

Thái Huy Bích

2 thoughts on “Sách “Thọ Mai gia lễ” miền Nam – Sửa đổi cách viết bài vị lâu đời miền Bắc

  1. Nguyễn Tuấn Hùng says:

    Chiểu theo cách viết như vậy thì trong trường hợp cụ bà mất trước cụ ông, khi đó trên bài vị của cụ bà có tên riêng của cụ ông trong khi cụ ông đang còn sống. Như vậy khi cụ ông thắp hương trên bàn thờ lại có tên chính mình. Điều này trái với văn hóa Việt

    • Mỹ Nghệ Sơn Đồng says:

      Chào anh Tuấn Hùng, cảm ơn anh đã để lại sự góp ý.
      Cách viết này hoàn toàn đúng trong trường hợp cụ ông mất trước cụ bà.
      Tuy nhiên trong trường hợp mà cụ ông còn sống, nhưng vẫn có gia đình đề cả tên cụ ông trên bài vị thờ, vấn đề này nhằm xác định cụ bà là vợ của ai, hay cụ ông có 2 bà để biết chính thất và thứ thất. Cũng tương tự như một số đề cả tên con trai phụ tự cha hoặc mẹ, với mục đích làm rõ quan hệ của người được thờ. Cách viết này hoàn toàn phù hợp với văn hoá thờ cúng Việt.
      Trên thực tế, cũng có nhà vì lo ngại như anh đã nói ở trên nên tránh để tên cụ ông nếu còn sống trên bài vị, vậy nên cách làm này cũng không sai trong phong tục thờ cúng của người Việt.
      Trân trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d