Đánh giá post

Từ tâm thức Trang trí bàn thờ gia tiên đến cách thức bài trí nhà cửa, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.

Bàn thờ uy nghi, thờ phụng nhiều đời, có “thâm niên” hàng thế kỷ, có tác dụng giáo dục thế hệ nối tiếp biết giữ gìn nền nếp gia phong, tránh mọi tệ nạn xã hội, bảo vệ gia sản và truyền thống do các bậc tiên liệt tạo lập ra, phấn đấu làm vẻ vang cho tổ tiên, dòng họ.

Thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính chất luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình. Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà Tổ tiên. Vì thế, mỗi độ “năm hết Tết đến”, việc chăm chút bàn thờ là công việc thường được mọi người chú ý trước tiên.

I. Bày biện ban thờ:

Trong cấu trúc không gian thờ truyền thống ở đồng bằng Bắc bộ xưa thường có 3 lớp thờ: Ngoài cùng là Hương án, tiếp theo là Thực án, trong cùng là Ngự án.

1. Hương án:

Trên bàn Hương án, ở chính giữa phía ngoài cùng đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ). Tùy theo truyền thống mỗi vùng, có nơi đặt hai bát hương khác ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài; ở hai góc bao lan phía ngoài bày hai cây cây đèn tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có lúc sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu sẽ theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.

Sau bát hương là bộ đỉnh đồng, cây nến, hạc. Hai góc bao lan phía trong là 2 ống hoa, hoặc bình cắm hoa tươi loại nhỏ. Ngoài ra 2 bên còn có thể bày ống hương, ống hạp.

2. Thực án:

Trên ban thực án, phía ngoài cùng chính giữa thường bày bộ khay đài (còn gọi là Mịch), trên đặt ba chiếc đài bằng gỗ hoặc bằng đồng, bên trong có 3 cái chén nhỏ để rót rượu cúng.

Hai bên khay đài bày 2 nậm rượu cúng. Cũng ở 2 bên khay đài (chếch lên phía trước) bày 2 cái đài gỗ cỡ trung, đài bên phải để bát nước cúng, đài bên trái để đĩa giầu cau.

Tiếp sau bộ khay đài bày mâm bồng (bằng đồng hoặc gỗ tiện sơn son thếp bạc) để bày ngũ quả. Sau mâm bồng bày một chiếc mâm vuông 4 chân cao khoảng 40cm (có nơi gọi mâm cao) để dâng mâm xôi gà hoặc thủ lợn khi dâng lễ cúng. Trên thực án còn có đài cơm (dùng để đựng bát cơm cúng), Chóe đựng nước cúng nên kê trên chiếc đôn để trong gầm ngự án hoặc cạnh bàn thực án.

  1. Ngự án:

Trong cấu trúc không gian thờ truyền thống, lớp trong cùng là Ngự án (hay giường cầu) là vị trí cao nhất. Ở giữa ngự án là bộ ngai thờ hoặc ỷ, 2 bên tả hữu bày giá gương, bài vị. Trên ngai thờ bày hộp Thần chủ hoặc bài vị chủ. Các bài vị thế hệ sau để ở hai bên cỗ ngai theo nguyên tắc nam tả nữ hữu, thứ tự bài vị các đời từ cao xuống thấp tính từ cỗ ngai ra hai bên tả hữu. Ở các nhà thờ họ có hòm sắc thì bày ở vị trí trước ngai thờ.

Có thể ở khoảng giữa Hương án với Thực án nên để một khoảng cách (vừa đủ để người đi vào được) để tiện khi bày lễ vật dâng cúng.

3. Lễ vật dâng cúng:

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm: tiền vàng mã, vài bộ quần áo cho các cụ, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ (xưa dùng mâm bồng), một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, có bày thêm hoa quả, bánh mứt kẹo cho cân đối và đẹp mắt.

Lễ mặn thường được được bày trêm mâm và có bàn dâng cỗ riêng đặt trên ban thực án.

Hoa để thờ cũng có nhiều loại ví dụ hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa) để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi, người Việt thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, (hoa mai, hoa đào chỉ dùng trong cúng gia tiên ngày Tết), …

Hương khói ngoài ý nghĩa tâm linh còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình.

Bày mâm ngũ quả: theo thuyết ngũ hành (Kim – Mộc – Thuỷ – Hỏa – Thổ) là những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên).

Mỗi vùng miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả, nên đều có cách bày biện các loại hoa quả theo truyền thống và quan niệm của vùng mình.

Ngày nay, mâm ngũ quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Nhưng tựu trung đều là những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất.

Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Trong nhà ở dân gian, bàn thờ cố định tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách, là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc chung quanh. Còn nhà ở hiện đại với diện tích và cấu trúc không gian khác xưa, điều kiện sống và quan niệm trong sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi, cách bố trí bàn thờ sẽ đa dạng hơn, và cũng có nhiều vấn đề ưu tư hơn.

2. Ý nghĩa của việc bao sái bàn thờ:

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc cần được thực hiện một cách thường xuyên, cẩn thận, tỉ mỉ. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự dùng chung. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, hoặc nước nấu từ các loại lá thơm, rượu gừng, hoặc lá bồ đề để lau.

Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.

Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên, phải vào những ngày cận tết, chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ. Từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)… đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Việc bao sái, bày biện ban thờ ngày Tết lại được ưu ái dành cho quý ông, đơn giản vì người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

Ngày nay, việc bày biện hay thắp hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Tuy nhiên, để giữ nếp xưa, vẫn nên mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: