5/5 - (2 bình chọn)

Đền Lũng thờ Thái thú Sĩ Nhiếp (137 – 226) là người có công truyền bá đạo Nho và chữ Hán đầu tiên vào Việt Nam. Đền nằm trong khu vực Thành cổ Luy Lâu – thủ phủ của nhà Hán từ những năm đầu Công nguyên (nay thuộc địa phận thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

den-lung-ava
Phía trước tòa Tiền tế đền Lũng

Tương truyền đền Lũng xây dựng từ lâu đời trên khu nhà ở và đồng thời là trường dạy học lúc sinh thời của Thái thú Sỹ Nhiếp. Dưới các triều đại phong kiến đền Lũng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần với quy mô lớn và được liệt vào hàng “Miếu điện quốc gia”. Hiện nay đền Lũng có mặt bằng kiến trúc kiểu “Tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh”. Tòa Tiền tế 5 gian xây dựng lại năm 2001 theo lối kiến trúc truyền thống “Tầu đao lá mái”, khung nhà làm bằng gỗ táu, đục chạm tứ linh, tứ quý, vân mây, hoa lá cách điệu. Tòa đền Thượng gồm 5 gian Đại bái kết cấu kiến trúc đơn giản theo kiểu “Quá giang gác tường” và 3 gian Hậu cung còn bảo lưu nguyên vẹn nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Có thể bạn quan tâm: Bài vị là gì?

Hiện nay tại đền Lũng lưu giữ được hệ thống di vật cổ khá phong phú và đa dạng, chứa đựng giá trị về nhiều mặt, tiêu biểu như: phía bên ngoài tòa Tiền tế đặt 15 tấm bia đá niên đại tạo tác trải hai triều Lê – Nguyễn bao gồm: bốn tấm bia lệnh chỉ khắc vào các năm 1678, 1774, 1775, 1809, bốn tấm bia trùng tu dựng vào năm 1661, 1843, 1857, 1877, sáu tấm bia hậu có niên đại thời Nguyễn, một tấm bia đề thơ tạo tác vào năm 1924. Toàn bộ nội dung văn bia cho biết nhiều thông tin giá trị về quy mô Thành cổ Luy Lâu, việc trùng tu, tôn tạo đền Lũng dưới triều Lê – Nguyễn và nhân vật Sĩ Nhiếp – người có công truyền bá đạo Nho vào Giao Châu dưới thời ông cai trị những năm đầu Công nguyên hiện đang được thờ tại đền Lũng. Các tác phẩm văn bia còn hàm chứa nhiều giá trị về mặt niên đại lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Phía bên trong Hậu cung bài trí hệ thống tượng thờ bằng đất sét phủ sơn gồm: Thái thú Sỹ Nhiếp, con trai Sỹ Huy, Công chúa, Quan hầu mang phong cách nghệ thuật tạo hình thế kỷ XIX, bên trên treo bức Hoành phi khắc 4 chữ Hán “Nam Giao học tổ”… Đặc biệt tại Hậu cung đền Lũng hiện còn lưu giữ được một chiếc bài vị làm bằng gỗ mít có niên đại tạo tác vào thế kỷ XVII đặt bên trên ngai thờ. Bài vị có kích thước khá lớn cao 110cm (kể cả đế), rộng 35cm, dầy 3,5cm, bề mặt sơn son thiếp vàng. Bài vị chia làm 3 phần: đầu, thân, đế chi tiết như sau:

+ Phần đầu bài vị hình tròn, tạo dáng kiểu lá sòi, chính giữa chạm nổi hình mặt trời, xung quanh có nhiều đao lửa tỏa đều về hai phía, bên trên và bên dưới mặt trời chạm hai đôi rồng chầu, xung quanh diềm trang trí vân mây, giữa cổ và thân bài vị chạm hai đầu rồng nhô ra nhìn về hai phía trông rất cân xứng.

+ Phần thân bài vị chia làm 3 ô, hai bên diềm trang trí chạm nổi mỗi bên một con rồng trong tư thế đầu ngoảnh xuống dưới, đuôi quay lên phía trên, xung quanh chạm vân mây, đao mác. Ô chính giữa thân bài vị khắc hai dòng chữ Hán, nội dung là các chữ mỹ tự của triều đình phong kiến ban cho Thái thú Sĩ Nhiếp (chữ hiện đã bị mờ, khó đọc). Phía sau (lưng) bài vị để trơn không trang trí.

+ Phần đế tạo dáng kiểu sập chân quỳ dạ cá, bốn chân chạm hình đầu rồng, ở giữa chạm thủng rồng, hoa chanh trong ô hình vuông, bên trên chạm nổi đề tài rồng chầu mặt trời.

Bài vị gỗ niên đại thế kỷ XVII đặt bên trong Hậu cung đền Lũng
Bài vị gỗ niên đại thế kỷ XVII đặt bên trong Hậu cung đền Lũng

Tóm lại bài vị bằng gỗ có niên đại tạo tác vào thế kỷ XVII tại đền Lũng là một di vật cổ quan trọng phản ánh quá trình hình thành và phát triển của ngôi đền trong lịch sử. Bài vị là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật và kỹ thuật trang trí chạm khắc trên loại hình đồ thờ tự làm bằng gỗ dưới thời Lê Trung Hưng hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Qua đó góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nền văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc nói chung và khu vực Thành cổ Luy Lâu nói riêng.

                                                                               Nguyễn Văn An  (Bảo tàng Bắc Ninh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d